skip to Main Content
Menu
096.3309768 clbvanhanhchungcu@gmail.com

Tham luận tại Hội nghị về quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây Dựng

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ xây dựng!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và toàn thể hội nghị

Trước hết, tôi xin tự giới thiệu tôi là Trần Khánh, chủ tịch CCLB quản lý tòa nhà Hà Nội, hôm nay tôi rất vinh dự được thay mặt cho CLB xin được cảm ơn Ban tổ chức đã tạo cơ hội được phát biểu tham luận tại hội nghị.

CLB quản lý tòa nhà Hà Nội với đa số thành viên đang tham gia công tác quản lý vận hành chung cư: công tác các công ty quản lý vận hành, các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo về quản lý vận hành, các nhà thầu phụ: bảo vệ, vệ sinh…, các đơn vị công nghệ phục vụ công tác quản lý vận hành và một số thành viên ban quản trị chung cư tại Hà Nội, đại diện của chủ đầu tư tại các dự án chung cư.

Cho nên, bài tham luận của tôi được tổng hợp từ ý kiến của các thành viên và bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Một số ý kiến trùng với các ý kiến trước đã phát biểu chúng tôi sẽ không trình bày lại, xin phép được tập trung đi luôn vào việc nêu ra các hạn chế trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư và phương hướng khắc phục.

Hiện nay còn một số mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu trong quá trình quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư vẫn còn tồn tại mà các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa giải quyết được triệt để, đã được thể hiện trong báo cáo trung tâm và các ý kiến tham luận. Mâu thuẫn lớn nhất đang tồn tại ở nhiều chung cư là vấn đề bàn giao quỹ bảo trì. Phổ biến nhất trong các tranh chấp chung cư là tranh chấp ở phần sở hữu diện tích chung, điển hình ở đây là tranh chấp về hầm gửi xe, tranh chấp về quyền sử dụng, sở hữu các khu vực khác: khối đế, sân chơi, sân thượng, phòng sinh hoạt chung tại các chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp…

Ngoài ra còn có tranh chấp về phí quản lý và cách thức quản lý chung cư; tranh chấp về các vấn đề bảo trì, bảo hành chất lượng; tranh chấp về việc cung cấp dịch vụ độc quyền như gas, điện, nước, đặc biệt là Internet…

Bên cạnh đó, còn có các tranh chấp về việc góp vốn mua nhà, tiến độ xây dựng, thanh toán, chất lượng xây dựng, bầu ban quản trị…

Các ý kiến giải pháp, đề xuất sẽ đưa ra đối với các chủ thể liên quan đến công tác quản lý vận hành chung cư:

1. Đối với các cơ quan Nhà nước: Trước hết đề xuất cần sửa đổi Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (văn bản hợp nhất số 05, hợp nhất thông tư 02 và thông tư 28). Tiến tới có thể ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến nhà chung cư. Việc tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp hạn chế và giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Xây dựng theo hướng có lợi cho cư dân nhiều hơn.

Dù tranh chấp ngày càng gia tăng về quy mô, nhưng có vẻ như các quy định pháp lý về xử lý tranh chấp chung cư lại chưa theo kịp. Thực tế, dù nghị định, thông tư và các văn bản pháp quy về quản lý chung cư đều đã có đầy đủ, nhưng lại không rõ ràng về chế tài và khung pháp lý xử lý tranh chấp chung cư, dẫn đến kết quả là tranh chấp chung cư cứ thế bùng phát.

Nếu tham khảo luật pháp và quy định điều chỉnh hoạt động các khu chung cư ở nước ngoài, ta sẽ thấy hệ thống quy định của chúng ta còn thiếu rất nhiều. Việc thực thi luật pháp và giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương còn không tốt, chưa thực sự tìm ra căn cơ, dẫn đến kiện cáo kéo dài, hoặc bỏ lửng để hai bên tự xử lý. Trong khi đó, vai trò của ban quản trị chung cư còn mờ nhạt, do thiếu các hướng dẫn cụ thể về hoạt động, tính pháp lý của tổ chức này.

Để tránh tình trạng này và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, Nhà nước nên có những quy định rõ ràng và chi tiết hơn về phần sở hữu chung, riêng, cũng như điều kiện cần có để khai thác các khu vực này; quy định rõ trách nhiệm của các bên nếu để xảy ra các sự cố cháy nổ trong quá trình kinh doanh, sử dụng các khu vực này, làm ảnh hưởng đến toàn bộ tòa nhà và cư dân trong tòa nhà. Việc phân định chung riêng cần làm rõ từ khâu thiết kế, phê duyệt dự án và phải được thể hiện chi tiết, cụ thể trong hợp đồng mua bán căn hộ. Mỗi căn hộ phải được thiết kế ít nhất có 01 vị trí để xe ôto, 02 vị trí để xe máy.

Chung cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, cho nên ngoài các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cần chú ý đến việc mua bảo hiểm: cháy nổ và các rủi ro đặc biệt, trách nhiệm công cộng của đơn vị quản lý vận hành, trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn rõ ràng về nguồn kinh phí để thực hiện, giải pháp tốt nhất là nên đưa vào yếu tố cấu thành giá dịch vụ. Ngoài ra để hạn chế rủi do, do trang, thiết bị PCCC thường được trang bị ở mức tối thiểu theo tiêu chuẩn để hạn chế chi phí đầu tư dự án, thiếu trang thiết bị để xử lý nhanh khi bắt đầu đám cháy, để đảm bảo an toàn tài sản và con người, cần có quy định để CĐT trang bị từ ban đầu hoặc BQT xem xét bổ sung mua sắm (bình khí CO2, mặt nạ phòng độc, trang phục cứu hỏa…) bằng Quỹ bảo trì.

Quy định chi tiết. mạch lạc các nội dung chi của quỹ bảo trì và quỹ vận hành, bổ sung một số chi phí liên quan đến quan trắc môi trưởng, xử lý nước thải… vào chi quỹ bảo trì.

Việc tổ chức quản lý các chung cư sau khi đi vào hoạt động cũng còn nhiều bất cập. Nhà nước sau khi đã có quy định phân loại nhà cao tầng nói chung và chung cư nói riêng nên sớm hình thành bộ tiêu chuẩn quản lý. Khi có bộ tiêu chuẩn này, chúng ta mới có cơ sở để xây dựng chính sách quản lý, chất lượng quản lý và phí quản lý tương ứng phù hợp, tránh tình trạng đánh đồng như hiện nay.

Thông tư 31 quy định việc xếp hạng nhà chung cư áp dụng với các dự án nhà chung cư đã hoàn thành. Việc phân hạng nhà chung cư, theo Thông tư 31 không hoàn toàn bắt buộc với tất cả tòa nhà mà chỉ áp dụng khi có đề nghị của chủ đầu tư, ban quản trị, chủ sở hữu nhà chung cư. Thông tư tuy đã được ban hành, song hiện vẫn chưa mấy phát huy hiệu quả. Bởi vì phân hạng chung cư là tiêu chí quan trọng để hình thành ra mức phí dịch vụ hàng tháng mà các cư dân sẽ phải nộp. Điều này sẽ mang lại sự minh bạch cho thị trường chung cư vốn đang phát triển mạnh tại các đô thị lớn. Tuy nhiên quy định này lại không bắt buộc và đây cũng chưa được coi là cơ sở để xây dựng khung giá dịch vụ. Giá dịch vụ tại các tỉnh thành phố đều đưa ra một mức chung chung, khoảng cách giữa hai mức giá cao nhất và thấp nhất chênh lệch rất lớn mà đáng ra phải đưa ra từng mức giá cho các hạng chung cư.

Giá dịch vụ hiện nay có mức tối thiểu rất thấp, dẫn đến không đủ kinh phí để thuê đơn vị quản lý, hoặc bộ máy quản lý bị rút gọn dưới mức tối thiểu, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tiềm ẩn rủi ro. Giá dịch vụ thấp cũng dẫn đến không thu hút được nhân tài, ảnh hưởng đến chất lượng nhân sự quản lý vận hành. Phải làm sao để mức lương, hệ số cơ bản của cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý vận hành trong các dự án tòa nhà theo tiêu chí xây dựng theo các diện tích và tổng căn hộ.

Việc phân định chung / riêng chưa rõ ràng ngay từ đầu dẫn đến khó phân định, xác định chính xác mức phí dịch vụ từng đối tượng, xảy ra tranh chấp giữa CĐT – Cư dân: liên quan tỉ lệ phiếu bầu trong HNNCC, phí bảo trì, phí dịch vụ… Cho nên việc phân định cần khớp với việc phân khai Kế toán khi Hạch toán. Chi phí bảo trì sửa chữa phân bổ theo chung riêng cần có sự thống nhất giữa các bên, chủ sở hữu và áp dụng tính theo diện tích. Vậy cần sự hợp tác và trách nhiệm, đặc biệt vao trò của CĐT cần được đẩy lên gắn trách nhiệm với dự án. Cách tính phí dịch vụ cho từng diện tích nên quy định rõ áp theo công thức hệ số Dân là 1, tầng hầm là 0.5 văn phòng hệ số 2, chứ không quy định chung như hiện nay.

Về tổ chức Hội nghị nhà chung cư, xem xét hạ thấp tỷ lệ cư dân tham gia để có thể tổ chức hội nghị, hiện nay tỷ lệ quy định là cao dẫn đến rất khó tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư, có thể bổ sung bằng hình thức xin ý kiến trực tại căn hộ tiếp thông qua phiếu xin ý kiến trong việc quyết định một số vấn đề. Cần có quy định về thời gian tối đa phải lập ban quản trị mà không phụ thuộc vào, khi đó việc thành lập BQT không phụ thuộc vào tỷ lệ số căn hộ đã bàn giao.

Về việc bàn giao quỹ bảo trì, thiếu chế tài để xử lý và chưa được xử lý một cách quyêt liệt, nhưng Thông tư 28/2016 đã bỏ Khoản 7 Điều 36 trong Thông tư 02/2016 có nội dung là: Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định tại Điều này thì Ban quản trị nhà chung cư đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế theo quy định của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong văn bản pháp luật mới cần quy định rõ hơn về thời gian tối đa CĐT phải hoàn thành việc bàn giao, nếu không sẽ phải áp dụng các chế tài được quy định chi tiết, có tính khả thi và được triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Việc xây dựng cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo… có liên quan đến công tác quản lý vận hành.

Cần có bàn tay của chính quyền trong việc quản lý vận hành nhà chung cư. Các cơ quan quản lý cần phải đặt vấn đề quản lý nhà nước về chung cư là một phần quan trọng trong công tác quản lý đô thị. Tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp quận, cấp phường cần có những chuyên viên về đô thị. Tất cả các vi phạm đã có quy định nhưng chưa được xử lý một cách quyết liệt.

2. Đối với chủ đầu tư: Các chủ đầu tư bất động sản phải coi vấn đề quản lý, vận hành tốt sau khi bàn giao là một yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín thương hiệu trong việc thu hút khách hàng cho các dự án tiếp theo, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Từ khâu thiết kế đến khâu xây dựng các dự án, đều đặt mình ở vị trí người ở chung cư.

Các chủ đầu tư tham gia quản lý chung cư trong giai đoạn chưa thành lập ban quản trị chung cư nên ý thức rằng việc quản lý chung cư chủ yếu để bảo vệ thương hiệu và chất lượng của chung cư, cũng là để bảo vệ thương hiệu của chủ đầu tư, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong thời gian quản lý sau khi bàn giao nhà cho khách hàng, những khoản thu trong quản lý chung cư chỉ để bù chi, chứ không đặt mục tiêu kinh doanh. Cần tổ chức và huấn luyện bộ máy quản lý chung cư một cách chuyên nghiệp, những người quản lý nhà là người vừa có kinh nghiệm, lại có tâm phục vụ cộng đồng, vì cư dân. Đây cũng chính là cách để bảo vệ và phát triển thương hiệu của công ty mình.

Đối với các chung cư được đưa vào sử dụng và các bên liên đới (chủ đầu tư, cư dân) chưa phân định được sở hữu chung riêng, thì cần phải tiến hành thương thảo và thống nhất rõ về vấn đề này ngay. Việc này sẽ được khắc phục bằng cách kiểm tra lại các điều khoản của giấy phép đầu tư và xem việc thanh quyết toán công trình của cơ quan thuế đã bao gồm các hạng mục nào. Bất kỳ hạng mục nào đã được dùng vào kết toán giá bán căn hộ phải được coi là sở hữu chung của cư dân. Tuy nhiên để thực hiện điều này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Nhà nước, bởi việc kiểm toán sẽ không dễ thực hiện do vấn đề kinh phí; việc đưa ra khởi kiện để xử lý tại tòa án cũng là một công việc không hề đơn giản.

Tách bạch giữa chủ đầu tư xây dựng dự án và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà . Mang quyền quản lý tòa nhà (do họ bỏ tiền mua các căn hộ, đồng nghĩa họ có quyền sở hữu, chủ đầu tư có phần sở hữu riêng) ra lựa chọn thầu công khai, có ban xét thầu, chấm điểm để bất cứ doanh nghiệp nào, kể cả chủ đầu tư, đều có thể dự thầu.

3.Đối với ban quản trị: Cần áp dụng nghiêm chỉnh yêu cầu về thành lập và hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Ban quản trị cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đơn vị quản lý vận hành, mọi vấn đề khúc mắc cần phải nghiêm túc thảo luận để đi đến thống nhất, tránh thiếu thiện chí, thậm chí dẫn đến đối đầu.

Một là, Bộ Xây dựng cần có tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về những người đủ tiêu chuẩn tham gia BQT.

Hiện nay theo Thông tư 28, một người không phải là chủ sở hữu căn hộ/diện tích khác trong chung cư cũng có thể tham gia hội nghị nhà chung cư (tuy nhiên Theo Thông tư 02 vẫn chưa bãi bỏ quy định: Thành viên BQT sẽ bị bãi miễn nếu không còn là chủ sở hữu?). Đây là kẽ hở để một số thành phần cơ hội không phải chủ sở hữu cũng có thể tham gia BQT để mưu cầu lợi ích cá nhân, hoặc BQT được “dựng” lên theo ý định của một tổ chức để dễ bề điều khiền… Cho nên, thành phần tham gia BQT phải là chủ sở hữu thì mới chặt chẽ và lựa chọn được các thành viên đủ tiêu chuẩn.

Nên có một hệ thống tiêu chí chặt chẽ, chi tiết, cả về chất lượng và số lượng thành viên, để có thể lựa chọn được những thành viên thật sự có tầm, có tâm và có tài để thật sự có thể “quản trị” tòa nhà chung cư của mình.

Hai là, cần có quy định cụ thể về thù lao cho BQT cho tương ứng với vai trò. Có thể xây dựng mức thù lao trên cơ sở lương tối thiểu do Nhà nước quy định, căn cứ vào quy mô của tòa nhà chung cư để quy định hệ số cho phù hợp. Có quy định hợp lý, sẽ là “đòn bẩy” để các thành viên BQT tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, cần có các chế tài cụ thể xử lý các vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư để giúp BQT thể hiện vai trò của mình. Hiện nay quy định chung chung, nhưng thiếu chế tài để BQT có thể răn đe các hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư. Bổ sung thêm cơ chế ra quyết định cho Ban quản trị. Hiện nay, một số tòa nhà thực hiện bằng cách xây dựng theo kiểu Hương ước, nhưng chưa thiếu tính pháp lý và chưa đủ sức răn đe, vì việc phạt tiền chỉ có cơ quan Nhà nước mới ra quyết định xử phạt, mà các cơ quan Nhà nước lại thiếu quyết liệt, sâu sát trong vấn đề này.

Kinh nghiệm cho thấy BQT gọn thì việc điều hành sẽ thuận lợi hơn, nên chăng có quy định “mở” để BQT có thể hình thành các tiểu ban (tổ) giúp việc: vận hành, truyền thông…, với phụ trách các tổ là thành viên của BQT còn các thành viên khác không nhất thiết phải là thành viên BQT mà chỉ cần là cư dân tích cực. Cần có quy định rõ ràng về cơ chế giám sát hoạt động của BQT: thay vì lập tổ kiểm tra khi cần thiết, liệu có nên hình thành Ban (tổ) giám sát, tổ kiểm tra, tự kiểm toán/thuê kiểm toán độc lập… như ở một số chung cư.

Một thực tế đang xảy ra là ở không ít chung cư, việc thành lập BQT rất chậm, vậy quá thời gian theo luật định mà BQT vẫn chưa được lập thì ai sẽ là người đại diện cho cư dân? Nên chăng có quy định về Ban đại diện/ban quản trị lâm thời để tham gia vào quản lý vận hành chung cư trong giai đoạn này?

Thực tế thì một số tòa nhà cũng đã thực hiện việc lập ban đại diện, nhưng chưa có quy định cụ thể nên xảy ra tình trạng tự phát, không biết tổ chức và hoạt động sao cho hiệu quả, thậm chí có tòa còn có nhiều hơn một ban đại diện… Đa số những người tham gia đã tham gia ban đại diện sau này thường được bầu vào BQT, cho nên có thể coi đây cũng là quá trình để cư dân có thêm lựa chọn để xây dựng được một BQT xứng tầm đối với tòa nhà của mình. Cũng có thể đây là giải pháp tình thế hợp lý khi chưa có BQT, cư dân vẫn có người đại diện. Nên chăng ban đại diện sẽ được thực hiện vai trò như BQT, trừ việc tiếp nhận và sử dụng quỹ bảo trì?

Thành viên BQT phải tham gia khóa học quản lý vận hành chung cư dành cho ban quản trị để bổ sung thêm những kiến thức cần thiết, tránh tư tưởng “kiêu binh”, tự thỏa mãn dẫn đến việc nắm không đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện sai, gây hậu quả không đáng có. Việc đào tạo, sẽ giúp xây dựng được kỹ năng để thực sự quản trị được. Tuy đã có quy định nhưng lại không có quy định thời gian người trúng cử BQT phải hoàn thành việc có chứng chỉ, nếu không sẽ bị loại khỏi BQT, và phải bố trí nguồn kinh phí.

Bốn là, đối với đơn vị quản lý vận hành, nguyên tắc minh bạch và giám sát đối với các công ty quản lý là bắt buộc. Tại các nước khác, kiểm toán quản lý bất động sản luôn được thực hiện, để đảm bảo tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn quản lý và bảo trì bảo dưỡng, để đảm bảo quyền lợi cho cư dân sống tại các khu chung cư. Các công ty quản lý phải thực sự coi chủ sở hữu căn hộ, cư dân trong tòa nhà là khách hàng của mình, chứ không phải chủ đầu tư để tránh xung đột về lợi ích và đem lại dịch vụ tốt nhất cho cư dân.

Đối với các đơn vị quản lý vận hành thuộc chủ đầu tư, nên có thái độ hành xử hợp lý, tránh hành xử với vị thế của một “ông chủ” trong quan hệ với ban quản trị/cư dân, cần có thái độ trọng thị và hợp tác.

Đối với các đơn vị quản lý vận hành khác, cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh, tránh bỏ thầu giá thấp để được vận hành dự án sau đó vì giảm chi phí sẽ phải cắt giảm nhân công, hạ chất lượng dịch vụ, dẫn đến mâu thuẫn. Ngoài ra cần phải đầu tư nguồn vốn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, như áp dụng các phần mềm quản lý để góp phần minh bạch thu chi, ứng dụng các công nghệ hiện đại khác…, không chạy theo lợi nhuận mà cần dành một phần lợi nhuận để tái đầu tư. Các đơn vị này rất cần sự hợp tác, ủng hộ của chủ đầu tư trong quản lý vận hành, nhất là đối với những tòa nhà chủ đầu tư sở hữu tầng hầm…

Quan tâm đến đầu tư một phần kinh phí ủng hộ cư dân và tổ chức các hoạt động cộng đồng để tạo hình ảnh đẹp cho tòa nhà mình quản lý.

Các đơn vị quản lý vận hành cần xây dựng thái độ tôn trọng, hợp tác, tránh dùng các “thủ đoạn” cạnh tranh không lành mạnh, tránh đối đầu, nhất là trong trường hợp hai đơn vị cùng quản lý vận hành trong một tòa nhà.

Hiện tại nghề quản lý tòa nhà chủ yếu mới đang chỉ mang tính chất đào tạo ngắn hạn. Chủ yếu vẫn là nghề dạy nghề và do các doanh nghiệp quản lý tự xây dựng hoạt động đào tạo, phát triển nhân sự cho phù hợp với nhu cầu của mình. Cho nên các doanh nghiệp cần phải thực hiện đào tạo lại và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình.

Ngoài ra có thể chính các doanh nghiệp, các tổ chức… có thể phối hợp với các nhà trường để mở các lớp đào tạo, hoặc hình thành các cơ sở đào tạo chuyên biệt về ngành quản lý tòa nhà. Chúng ta đang phải sử dụng nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành gần, thậm chí là chuyên ngành khác chuyển sang, cho nên việc hình thành các trung tâm đào tạo chuyên biệt, bước đầu là thực hiện đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ là việc làm hết sức cần thiết, sau đó hướng tới việc đào tạo chính quy, bài bản hơn. Cần có các trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề đào tạo chính quy về lĩnh vực QLVH Tòa nhà. Trước mắt, tăng cường giao lưu, đào tạo liên tục  kỹ năng nghề đối với nhân sự.

Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, việc đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, cho nên diễn ra tình trạng “chảy máu” nhân lực ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là với các vị trí đứng đầu các ban quản lý và các kỹ sư trưởng/kỹ thuật viên. Dẫn đến các ông chủ, bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp yếu thế hết sức vất vả trong vấn đề tuyển dụng và sắp xếp nhân sự, khó khăn chồng chất khó khăn.

Vấn đề này có thể giải quyết được hay không một phần là do các ông chủ doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn cả là cần có vai trò của một HIỆP HỘI để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều tiết, tạo ra bố trí được nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp đối với các doanh nghiệp, đối với từng dự án cụ thể.

Với mục đích là có thể vươn tới xây dựng Hiệp hội, các tập đoàn mạnh về quản lý tòa nhà để bảo vệ quyền lợi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để cho các đơn vị thành viên phát triển. CLB quản lý tòa nhà Hà Nội ra đời mong muốn góp phần vào việc xây dựng Hiệp hội, đề nghị Bộ xây dựng và các cơ quan liên quan hỗ trợ, để sớm có một hiệp hội quản lý bất động sản trong phạm vi cả nước, với các thành viên tại các tỉnh thành là các chi hội/CLB.

Năm là, đối với cư dân/chủ các căn hộ, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật trong quản lý vận hành chung cư và các vấn đề về dịch vụ quản lý vận hành. Chủ đầu tư cần cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin có liên quan. Người mua nhà cần lưu ý về một số nội dung quan trọng trong hợp đồng, bao gồm thỏa thuận về giá trị hợp đồng, ngoài chi phí mua nhà thì cần thỏa thuận thêm các khoản phí phát sinh trong tương lai như phí quản lý tòa nhà, phí trông giữ xe, phí bảo trì tòa nhà… Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng những khoản chi phí ban đầu khi mua nhà mà người dân cần phải trả để tránh tranh chấp về sau.

Cần phê phán cách hành xử như vậy của một số người dân trong việc chây ì không nộp hoặc nộp chậm phí dịch vụ. Nên ý thức rằng đã sử dụng dịch vụ thì phải đóng phí, nếu xảy ra tranh chấp thì ảnh hưởng ngay tới chất lượng dịch vụ cho các cư dân khác. Có các tranh chấp, trước hết cũng cần có cách hành xử văn minh, lịch sự mang tính xây dựng.

Rõ ràng, xây dựng các khu dân cư, đô thị mới văn minh là một việc không hề đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ các cơ quan chức năng trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới; từ chủ đầu tư trong việc tuân thủ và nghiêm túc trong đầu tư và vận hành dự án; và cần nhất là thái độ và ứng xử của người dân, bởi sau cùng người dân mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả khu cư dân.

Cuối cùng, xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn!

Bình Luận FaceBook

Đối tác

kich-thuoc-logo
logo-web-bach-thang
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
Back To Top
Copyright 2018 © CLB Quản Lý Tòa Nhà Hà Nội | Thiết kế bởi Web Bách Thắng