skip to Main Content
Menu
096.3309768 clbvanhanhchungcu@gmail.com

Đào tạo nghề quản trị tòa nhà ở Việt Nam

(Bài tham luận Hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Bất động sản và Thẩm định giá theo định hướng ứng dụng”, tổ chức tại Đại học Tài chính – Marketing, Thành Phố Hồ Chí Minh-ngày 12/11/2020)
Tóm tắt:
Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư (chủ yếu tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) và hàng trăm cao ốc văn phòng. Mặc dù vậy, qua gần 20 năm phát triển nhanh, Việt Nam vẫn chưa hình thành được tầng lớp những người quản trị tòa nhà chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có hệ thống. Nguyên nhân chủ yếu từ chính sách và nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức của thị trường. Điều này gây ra nhiều rủi ro ở các mức độ khác nhau đến tài sản, tính mạng và an toàn tài chính. Vì vậy việc đào tạo nghề quản trị tòa nhà nói riêng, quản trị bất động sản nói chung cần nhanh chóng được hình thành và nâng cấp, đáp ứng được sự phát triển nhanh của thị trường (Nguyễn Minh Ngọc, 2015).
Bài viết vận dụng phương pháp thực nghiệm và chuyên gia để khẳng định tính cấp thiết trong việc hình thành chương trình, cơ sở đào tạo nghề quản trị tòa nhà; đồng thời đề xuất một số điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu trên.
Từ khóa: Quản trị tòa nhà, nghề quản trị tòa nhà, Ban quản lý tòa nhà
1 Giới thiệu
Trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế Việt Nam, các tòa cao ốc, các khu dân cư và các khu thương mại mọc lên ngày một nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và khắp cả nước.
Công việc quản lý hay quản trị nhà đã trở nên quen thuộc ở các khu đô thị, khu chung cư, nhà ở, nhưng xét về nghề nghiệp trong xã hội thì đây là một nghề tương đối mới mẻ. Mục đích của công việc quản lý tòa nhà chính là thay mặt chủ đầu tư vận hành tòa nhà hiệu quả và làm tất cả các các khách hàng hài lòng. Đặc biệt, khách hàng luôn muốn khi họ bỏ một khoản tiền tương đối để thuê mặt bằng văn phòng giá trị cao và đóng phí dịch vụ thì cũng phải nhận được chất lượng dịch vụ tương ứng. Tuy nhiên nhân sự của mảng quản lý tòa nhà còn rất yếu và thiếu. Trong nước vẫn chưa có trường đào tạo nghề này dài hạn và chuyên nghiệp. Vì thế, phần lớn mảng quản lý tòa nhà ở các tòa nhà văn phòng đều giao cho doanh nghiệp ngoại. Các chủ đầu tư vẫn tự thành lập các ban quản lý dưới hình thực tự đào tạo và dẫn tới nhiều yếu kém trong việc vận hành tòa nhà. Khách thuê văn phòng vẫn chưa được hưởng các dịch vụ xứng đáng (Trần Khánh, 2019).
Từ những lí do trên, cần phân tích thấu đáo cũng như xác định rõ sự cần thiết của việc hình thành chuyên môn quản trị đi kèm hệ thống nghiên cứu, đào tạo nghề này tại Việt Nam.
2 Tổng quan về quản trị tòa nhà
2.1 Yêu cầu về công tác quản trị tòa nhà dân cư
Những xung đột tại các chung cư trong một thời gian dài vừa qua không phải chuyện hiếm gặp ở nước ta, nguyên nhân nào đã kiến cho cư dân và ban quản lý tòa nhà có những mâu thuẫn không hồi kết đó và đâu là giải pháp?
Hiện nghề quản lý tòa nhà chưa có những trường lớp, ngành đào tạo chính thức và cũng chưa được nhân rộng mà đa số là do chính công ty xây dựng công trình đó đứng ra đào tạo đội ngũ những cán bộ nhân viên sẽ quản lý công trình đó sau khi đã bàn giao cho khách hàng sử dụng. Do vậy đã tạo ra thực trạng quản lý yếu kém tại các khu nhà cao tầng, khu đô thị. Các chủ đầu tư hoặc ban quản lý tòa nhà đều mong muốn tòa nhà của mình hoạt động hiệu quả, tỉ lệ sử dụng cao, các chi phí vận hành và bảo dưỡng tòa nhà được tiết kiệm nhưng vẫn mang lại sự ổn định.
Quản lý tòa nhà là nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của tòa nhà diễn ra với chất lượng tốt nhất, an toàn nhất. Bao gồm một số hoặc toàn bộ các hoạt động sau: Đảm bảo an ninh, trật tự; dịch vụ vệ sinh; quản lý và chăm sóc khách hàng, đối nội, đối ngoại, nhân sự, giám sát hoạt động; vận hành, bảo trì bảo dưỡng và ngăn ngừa sự cố của toàn bộ hệ thống kỹ thuật tòa nhà; Marketing… Bên cạnh đó đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, chi tiết và trách nhiệm nghề nghiệp cao. Công việc của người quản lý cần phải hiểu biết rộng, từ đơn giản tới phức tạp. Từ chuyện nhà cửa đến cả những sinh hoạt của người dân, quan tâm từ chuyện lớn đến việc nhỏ nhất. Phải am hiểu về kết cấu tòa nhà, quản lý hệ thống kỹ thuật lẫn nhân sự; nắm vững những quy định để giải quyết yêu cầu, khiếu nại của khách hàng; tạo mối quan hệ với các cơ quan chức năng… Vì vậy, có thể gọi đây là nghề “làm dâu trăm họ” (Trần Khánh, 2019).
Mỗi tòa nhà, mỗi loại hình tòa nhà, đối tượng khách hàng, … tạo ra những sắc thái khác nhau trong cách thức quản lý, ứng xử và xử lý tình huống. Có thể thấy hiện nay, cách đánh giá chung cư là ở chỗ dịch vụ của chung cư đó tốt đến đâu, tuy nhiên dù là chung cư cao cấp cũng không thể tránh khỏi những sự cố bất ngờ xảy ra. Trong khi đó, quản lý tòa nhà theo kinh nghiệm các nước là một lĩnh vực chuyên môn, thậm chí là một ngành nghề kinh doanh dịch vụ có quy trình khoa học nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của một tòa nhà từ kết cấu, kiến trúc, hệ thống PCCC, thang máy, điện, nước cho đến các tiện ích như vệ sinh, cây xanh và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
2.2 Quản trị tòa nhà văn phòng
Hiện nay, tòa nhà văn phòng cho thuê là một phân khúc sinh lời hiệu quả trên thị trường bất động sản. Thông thường, việc quản lý tòa nhà được các chủ đầu tư tự thành lập một bộ phận riêng để tự tàm việc này. Tuy nhiên, vì tính chất mới mẻ và phức tạp của công việc này, phần lớn hoạt động quản lý tòa nhà cần nhờ tới sự hỗ trợ của những công ty quản trị BĐS chuyên nghiệp như CBRE, Savills, PMC… trong cả quá trình hoặc trong giai đoạn vận hành ban đầu (Nguyễn Minh Ngọc, 2012).
Quản lý tòa nhà không phải đơn giản là để tòa nhà vận hành hoạt động trơn tru. Sự phức tạp của nó liên quan tới rất nhiều lĩnh vực quan trọng như dịch vụ công cộng, chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng và vận hành hệ thống kỹ thuật… Chất lượng của hoạt động quản trị tòa nhà ảnh hưởng rất lớn tới mật độ khách hàng và giá trị cho thuê văn phòng.
Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng A, B, C các văn phòng cho thuê và chủ yếu là các tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng, vị trí địa điểm và hệ thống kỹ thuật. Nhưng khi khách hàng sử dụng dịch vụ văn phòng cho thuê thì chất lượng của dịch vụ quản lý tòa nhà là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá.
Người quản trị tòa nhà giống như một quản gia với nhiều công việc như quản lý khách hàng, giải quyết thắc mắc khiếu nại khách hàng, đánh giá sự hài lòng của khách hàng, bão dưỡng bảo trì tòa nhà, vận hành hệ thống kỹ thuật, bảo đảm an ninh, vệ sinh tòa nhà, phòng cháy chữa cháy, chăm sóc cảnh quan, trang trí tòa nhà… Mỗi công việc đều có thể nảy sinh các vấn đề cần giải quyết gần như 24/24h. Để hoàn thành công việc trên, bộ phận đảm trách phải có một lượng kiến thức tổng hợp và sự kiên nhẫn tuyệt đối trước tất cả các khách hàng.
Tòa nhà văn phòng là sản phẩm bất động sản giá trị lớn nên rất cần một đội ngũ quản lý tòa nhà hiệu quả, chuyên nghiệp và để bảo đảm chống xuống cấp và gia tăng giá trị lợi nhuận cho chủ đầu tư. Nhân sự trong việc quản lý tòa nhà là một trong các yếu tố quyết định giá trị và chất lượng của tòa nhà, rất cần được các chủ đầu tư và trường đào tạo chú ý, quan tâm (Walczak S. 2004).
2.3 Quản trị mảng kỹ thuật tòa nhà
Một công trình cao tầng hiện đại, kể cả chung cư, văn phòng hay khu phức hợp,… đều phải được trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại, phức tạp. Bao gồm hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống thông gió, điều hòa không khí, thang máy, phòng cháy chữa cháy,… Các hệ thống kỹ thuật này luôn phải có tình trạng tốt, được quản lý vận hành một cách hoàn hảo, được thực hiện bảo trì bảo dưỡng định kỳ theo quy trình chặt chẽ, chuyên nghiệp.
Việc triển khai công tác quản lý vận hành phải được thực hiện bởi các cán sự kỹ thuật, các kỹ sư thuộc bộ phận kỹ thuật của tòa nhà, là những người phải am hiểu thấu đáo hệ thống, có kiến thức, kinh nghiệm để vận hành, bảo dưỡng, bảo trì và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra. Từ đó, xuất hiện nhu cầu về nhánh ngành nghề mới, đó là kỹ thuật tòa nhà. Với con số hàng ngàn chung cư trong cả nước, chưa kể hàng ngàn tòa nhà văn phòng và các công trình khác, thì có thể thấy nhu cầu về lực lượng lao động này là không hề nhỏ.
Lao động quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật tòa nhà là một trong những lao động đòi hỏi phải qua đào tạo và cần có chứng chỉ để vận hành được các hệ thống kỹ thuật trong tòa nhà vì có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, an toàn tính mạng của rất nhiều người.
Hiện nay chưa có trường dạy nghề đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu cho tòa nhà. Hầu hết chỉ đào tạo từng bộ môn riêng lẻ như điện, điện lạnh, cấp thoát nước,… Trong đó một số ngành rất khó tuyển như cấp thoát nước. Hơn nữa, cấp độ đào tạo đại học chiếm nhiều sự quan tâm của xã hội nhưng thiên về lý thuyết, các bậc cao đẳng hoặc trung cấp không hấp dẫn người học cũng góp phần hạn chế nguồn cung lao động. Thực tế quản trị tòa nhà là nghề chỉ cần người được đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng, hiện nay ngay cả người làm cũng ngộ nhận vào làm quản lý bất động sản là làm vị trí của người quản lý (Trần Khánh, 2019).
Đặc trưng của đào tạo các ngành kỹ thuật riêng lẻ là người học thiếu các kỹ năng mềm như: Kỹ năng ứng xử đối với khách hàng, kỹ năng phối hợp làm việc giữa các bộ phận, kỹ năng phục vụ, kỹ năng ứng phó rủi ro , sự cố; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng,… Chưa kể đến điều kiện về thực hành, thực tập của sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế. Nhìn chung nhân lực quản lý kỹ thuật tòa nhà được đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn với việc làm, không đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng và hầu hết đều phải được doanh nghiệp đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
Việc thay đổi cơ cấu ngành nghề và trình độ của nhân lực lao động trong xã hội đã làm nảy sinh nhu cầu của người lao động. Đó là được bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp và đào tạo lại để chuyển đổi vị trí làm việc cũng như nghề nghiệp. Các học viên mong muốn thu nhận được những kỹ năng mới thông qua việc đào tạo lại, cần có các cơ hội học tập suốt đời. Tuy nhiên các chương trình bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo chưa đa dạng và chưa có nhiều cấp độ để có thể xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người lao động có trình độ bán lành nghề, lành nghề và tay nghề bậc cao trong lĩnh vực bảo trì hệ thống kỹ thuật tòa nhà.
Về chương trình đào tạo, hiện nay Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành khung chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành nhà chung cư. Đây là chương trình ngắn hạn trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu về bồi dưỡng kiến thức cho những người hoạt động trong công tác quản lý nhà chung cư.
Trong quy định về đào tạo cho thành viên Ban Quản trị thì nội dung kiến thức khá nhiều, và thiếu một số kiến thức cơ bản về cấu tạo hệ thống kỹ thuật và các nguyên tắc bảo trì đồng thời thiếu tập huấn về kỹ năng tổ chức hội nghị chung cư. Bởi vây, một khóa đào tạo nghề hoàn chỉnh với đối tượng học cụ thể, và các chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ cụ thể là thực sự cần thiết với thực tế hiện nay của nghề quản trị tòa nhà ở Việt Nam.
3 Nghề quản trị tòa nhà
3.1 Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nghề quản trị tòa nhà
Do tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông, cao ốc… phát triển mạnh; cộng với các chủ đầu tư hay các đơn vị có hợp đồng thuê dài hạn đòi hỏi dịch vụ quản trị mang tính chuyên nghiệp hơn, và từ đó thị trường lao động đã xuất hiện nghề quản trị tòa nhà. Trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế Việt Nam, các tòa cao ốc, các khu dân cư và các khu thương mại mọc lên ngày một nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và khắp cả nước. Các chủ đầu tư hoặc ban quản lý tòa nhà đều mong muốn tòa nhà của mình hoạt động hiệu quả, tỉ lệ sử dụng cao, các chi phí vận hành và bảo dưỡng tòa nhà được tiết kiệm nhưng vẫn mang lại sự ổn định.
Quản lý tòa nhà hiệu quả sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và nâng tầm giá trị bất động sản. Quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao và hoạt động quản lý tòa nhà hiệu quả ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, diện tích đất ở tại khu vực thành thị ngày càng bị thu hẹp, giải pháp duy nhất cho vấn đề nhà ở là sự ra đời của các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng… Thị trường bất động sản ngày càng năng động và cạnh tranh gay gắt hơn, đòi hỏi phải các tòa nhà phải đảm bảo những yêu cầu tối cần thiết mà trong đó vấn đề về quản trị tòa nhà là một trong những nhân tố chủ chốt quyết định đến sự lựa chọn mua nhà của khách hàng (CBRE, 2011).
3.2 Công việc chính của nghề quản trị tòa nhà
Công tác quản lý tòa nhà được hiểu là quản lý, vận hành những mô hình từ nhỏ đến quy mô lớn như nhà trọ, phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ cho các đến chung cư cao tầng, khu trung tâm thương mại hay đặc thù như các tòa nhà hành chính.
Quản lý tòa nhà là một ngành kinh doanh dịch vụ tuân theo quy trình khoa học nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của một tòa nhà từ phần cứng như kết cấu, kiến trúc, hệ thống PCCC, thang máy, điện, nước cho đến các tiện ích như vệ sinh, cây xanh và các dịch vụ giá trị gia tăng khác: cho thuê, quản lý nhân công, giải quyết những tranh chấp giữa các khách hàng…”. Quản lý tòa nhà sẽ cung cấp dịch vụ, nhân công, theo dõi họ thực hiện những công việc bảo vệ, vệ sinh, giao dịch với khách hàng thuê, vận hành điện, nước, bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà để tòa nhà hoạt động tốt, kinh doanh hiệu quả cao. Vì nhiều mảng như vậy nên việc quản lý và vận hành tòa nhà sẽ trở nên hiệu quả hơn khi các cán bộ quản lý tòa nhà được trang bị những kiến thức nền móng cơ sở của việc quản lý và vận hành tòa nhà, mỗi người đảm trách một mảng riêng, theo dõi, hệ thống giúp người quản lý cao nhất biết được chi tiết sửa chữa, nhu cầu của từng khách hàng. Quản lý tòa nhà nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của tòa nhà diễn ra với chất lượng tốt nhất, an toàn nhất. Bao gồm một số hoặc toàn bộ các hoạt động sau: Đảm bảo an ninh, trật tự; Dịch vụ vệ sinh; Quản lý và chăm sóc khách hàng, đối nội, đối ngoại, nhân sự, giám sát hoạt động; Vận hành, bảo trì bảo dưỡng và ngăn ngừa sự cố của toàn bộ hệ thống kỹ thuật tòa nhà; Marketing… Điều này giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo các dịch vụ được cung cấp một cách chuyên nghiệp. Các công việc chính bao gồm:
– Quản lý tài chính: Ở mỗi tòa nhà hàng tháng khách hàng đều phải đóng một khoản phí quản lý định kỳ. Những khoản phí quản lý này gộp lại là một con số không hề nhỏ và được giao cho ban quản lý. Thay mặt khách hàng, ban quản lý có nhiệm vụ quản lý tài chính sao cho rạch ròi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong tòa nhà. Các khoản phí ngoài việc chi trả cho tiền điện, nước chung trong tòa nhà còn có chi phí cho việc làm vệ sinh các khu vực dùng chung như hành lang, sảnh,… hay chi phí sửa chữa, lương nhân viên vệ sinh, lương nhân viên bảo vệ,…
– Quản lý nhân sự: Mỗi một tòa nhà cần có số nhân sự khác nhau cho từng vị trí. Làm thế nào để tuyển dụng và chế độ thưởng và phạt cho các nhân viên hợp lý là công tác của ban quản lý tòa nhà. Bên cạnh đó, ban quản lý còn cần giám sát các hoạt động của nhân viên để đảm bảo nhân viên thực hiện đúng yêu cầu công việc.
– Quản lý khách hàng: Quản lý tòa nhà còn có trách nhiệm trong quản lý khách hàng. Từ các chính sách chăm sóc khách hàng cho tới việc giải quyết các yêu cầu của khách đều là nhiệm vụ của ban quản lý tòa nhà. Làm thế nào để giữ chân khách hàng, làm khách hàng hài lòng mà không làm ảnh hưởng lợi ích của chủ đầu tư hay lợi ích chung của tòa nhà là vấn đề luôn khiến các nhà quản lý đau đầu.
– Bảo trì hệ thống kỹ thuật: Một tòa nhà thường được lắp đặt nhiều hệ thống như hệ thống thông gió, hệ thống điện, hệ thống nước, hệ thống pccc,… Những hệ thống này đều cần được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ với mục đích đảm bảo sự hoạt động thông suốt của các hệ thống.
3.3 Dịch vụ Quản lý tòa nhà
Sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật vận hành cao ốc (M&E) trình độ tiên tiến với hệ thống, quy trình quản lý khách hàng, dịch vụ văn phòng bài bản và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp sẽ mang đến cho các chủ đầu tư khai thác hiệu quả tài sản, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng đồng thời nâng cao giá trị tài sản của mình. Bên cạnh đó bộ phận môi giới, tiếp thị bất động sản sẽ hỗ trợ trong việc tìm kiếm khách thuê, khách mua bất động sản. Cần có nhiều hơn những đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà trọn gói giúp cho Chủ đầu tư ngay từ giai đoạn đầu của việc lập dự án, đến triển khai và đưa vào hoạt động, cũng như khai thác trong suốt thời gian tồn tại của tòa nhà.
Quản lý tòa nhà hiệu quả là công việc đòi hỏi sự bao quát cao nhưng cũng đồng thời phải chú ý đến các chi tiết tỉ mỉ giúp đảm bảo được sự hài lòng từ phía khách hàng. Hiện nay, các tòa nhà đều có một Ban quản lý chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động vận hành, quản lý trong tòa nhà. Tuy nhiên, không phải ban quản lý nào cũng có đủ khả năng đảm trách và thực hiện công việc khó nhằn này.
Ban quản lý luôn phải là đội ngũ sát sao trong từng vấn đề thường nhật ở tòa nhà từ dịch vụ sinh hoạt thông thường: điện, nước, thang máy, bãi đỗ xe… cho đến chăm sóc khách hàng, quản lý sổ sách công nợ, hợp đồng cho thuê… hay những vấn đề phát sinh trong khu dân cư cần đến giao tiếp, giải quyết với cư dân sao cho nhanh chóng, hiệu quả.
Với tính chất đặc thù và khối lượng công việc dày đặc như vậy đòi hỏi ban quản lý cần phải có những quy trình quản lý tòa nhà sao cho mọi hoạt đông diễn ra được suôn sẻ, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, công việc này chưa được thông qua mô hình đào tạo bài bản nào do đó sự thiếu sót, kém hiệu quả khi vận hàng quản lý là điều không thể tránh khỏi. Tình hình thực tiễn đặt ra vấn đề cần phải có giải pháp hỗ trợ, giúp tối ưu hóa nghiệp vụ này.
4 Kết luận và đề xuất
Công tác quản trị, vận hành tòa nhà đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng như kỹ thuật như điện, nước, các quy định cũng như thủ tục về điều kiện PCCC, quy định về pháp lý, hợp đồng thuê và nhiều vấn đề không tên phát sinh khi vận hành một tòa nhà. Song tại Việt Nam, vẫn chưa có chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường vì nội dung giảng dạy chưa thực tế, người được đào tạo cần được cọ sát thực tế. Bên cạnh đó, nghề quản trị tòa nhà chưa được xem là một ngành nghề phải đưa vào giảng dạy. Phần lớn hiểu biết, kiến thức mà người làm quản trị tòa nhà có được là do truyền miệng, người đi trước hướng dẫn cho người đi sau và chưa có giáo trình bài bản trong lĩnh vực này.
Trong dịch vụ quản trị bất động sản cần phải chia nhỏ và đánh giá từng yếu tố như: quản trị bất động sản, quản lý thiết bị tiện nghi và quản lý tài chính. Còn chuyên viên quản trị tòa nhà phải có các kiến thức về: tài chính, tiếp thị, luật và kỹ thuật. Và đội ngũ quản lý tòa nhà cần tham gia dự án ngay trong giai đoạn xây dựng để có thể thiết lập được hệ thống quản lý cũng như cơ cấu nhân sự.
Dựa vào các tiêu chí trên, cộng với những chia sẻ từ người làm nghề quản trị tòa nhà, nếu muốn trở thành giám đốc (trưởng ban) quản trị tòa nhà thì phải nắm rõ các kiến thức về nhiều lĩnh vực để có thể vận hành hệ thống từ phần mềm cho tới nhân sự một cách trôi chảy. Ngoài ra, còn phải có các kỹ năng lên kế hoạch, cũng như biết cách triển khai công việc đúng tiến độ. Đồng thời phải có kỹ năng quản lý ngân sách, đàm phán với nhà thầu, nhà cung cấp, sự chu đáo, óc quan sát sắc bén để đào tạo, khuyến khích nhân viên làm việc bên cạnh kỹ năng thương thuyết với khách hàng và có khả năng chịu áp lực cao. Còn nếu chỉ là nhân viên, yêu cầu về kiến thức cũng như trách nhiệm công việc sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, dù đảm nhiệm vị trí nào, người làm quản trị tòa nhà cũng phải có kỹ năng thuyết trình, giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc, chịu được áp lực công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng làm việc độc lập.
Để một công việc được coi là một nghề, cần các yếu tố sau:
– Khi nó là một công việc đòi hỏi người thực hiện làm toàn thời gian.
– Khi trường đào tạo đầu tiên về công việc đó được thành lập.
– Khi một Hiệp hội nghề nghiệp địa phương/quốc gia được thành lập.
– Khi bộ quy tắc quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gồm các quy tắc ứng xử được thông qua.
– Khi đạo luật vùng/quốc gia về nghề nghiệp đó được thiết lập, thông qua.
Nếu xét theo khái niệm trên, thì công việc quản trị tòa nhà chưa được coi là một nghề. Hai vấn đề bức thiết cần được giải quyết ở đây là:
– Xây dựng hệ thống đào tạo nghề, trong đó chú trọng việc đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành.
– Xây dựng Hiệp hội quản lý tòa nhà Việt Nam và các địa phương.
Chỉ có như vậy, thì quản trị tòa nhà mới được công nhận là một nghề độc lập và nhận được sự tin cậy từ xã hội.
5 Tài Liệu Tham Khảo
Trần Khánh, (2019). Tổng hợp ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng chung cư”
Nguyễn Minh Ngọc, (2015). Kinh doanh dịch vụ quản trị chung cư. Hội thảo khoa học Quốc gia: Kinh doanh bất động sản – cơ hội và thách thức trong đà phục hồi của thị trường. Hà Nội.
Nguyễn Minh Ngọc, (2012). Đầu tư tòa nhà đa năng trong bối cảnh bất ổn của thị trường bất động sản. Tạp chí Công nghiệp.
CBRE (2011), Long term lease for office buildings, http://www.cbrevietnam.com/?page_id=2220.
Walczak S. (2004), Làm thế nào để đầu tư bất động sản, Tạp chí Finansista, Cộng hòa Ba Lan.
6.Tác giả:
-Nguyễn Minh Ngọc (Phó trưởng khoa Khoa Thẩm định giá – Kinh doanh Bất động sản, Đại học Tài chính – Marketing)
-Trần Khánh (Chủ tịch Câu Lạc Bộ Quản lý tòa nhà Hà Nội)
124491317 1978547698954523 175712788088857840 O124094931 1978552902287336 6804109598769438260 N
Bình Luận FaceBook

Đối tác

kich-thuoc-logo
logo-web-bach-thang
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
kich-thuoc-logo
Back To Top
Copyright 2018 © CLB Quản Lý Tòa Nhà Hà Nội | Thiết kế bởi Web Bách Thắng