Kỹ năng thoát hiểm nhất định phải biết khi xảy ra cháy
“Bà hoả” luôn rình rập ở bất kỳ đâu nếu bạn và gia đình lơ đễnh và không có biện pháp phòng tránh. Vậy khi xảy ra cháy, bạn cần phải làm gì để vừa có thể bảo vệ bản thân, vừa đảm bảo an toàn cho gia đình trong lúc đợi lực lượng PCCC đến giải cứu?
Hoả hoạn là nỗi ám ảnh thường trực cho bất cứ ai. So sánh số liệu 3 năm cho thấy tình trạng này không những không giảm bớt mà còn đang có chiều hướng tăng lên đáng kể như: Năm 2014 xảy ra 2.357 vụ, năm 2015 xảy ra 2.792 vụ và năm 2016 xảy ra 3006 vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân.
Vừa qua, theo thông tin do Báo Vtv cung cấp, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, trên cả nước đã xảy ra 400 vụ cháy nhà dân khiến 30 người thiệt mạng. Ước tính, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Qua các số liệu trên, có thể thấy được mức độ nguy hiểm và khả năng không lường trước của đám cháy một khi bùng phát.
Theo các chiến sĩ cảnh sát PCCC, có nhiều nguyên nhân gây cháy nổ, nhưng thường xuyên và nguy hiểm nhất vẫn là chập điện. Chiến sĩ PCCC cũng cho biết thêm, đa phần trong các vụ hoả hoạn, tỷ lệ nạn nhân tử vong vì ngạt thở do khói nhiều hơn so với bỏng và chết cháy. Do đó, nguyên tắc đầu tiên và hết sức quan trọng là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt, đồng thời tri hô để mọi người thấy và ứng cứu.
Lời khuyên từ các chiến sĩ cảnh sát PCCC, khi “bà hoả” tấn công, mọi người phải thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn vì chính tâm lý đó sẽ khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Vì vậy, yếu tố quan trọng để thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.
Bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều. (Ảnh minh hoạ)
Trong trường hợp bất khả kháng phải băng qua “bức tường lửa” thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước bịt lên mũi, để giúp hạn chế hít phải khí độc.
Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.
Bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại. (Ảnh minh hoạ)
Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp toàn bộ đều có khói, hãy trở về căn hộ của mình, dùng điện thoại gọi 114 thông báo đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại), dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu.
Dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. (Ảnh minh hoạ)